Lượt xem: 1688
Đội ngũ thanh tra phải luôn giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và vững vàng về bản lĩnh chính trị
23/11/2020
STO - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngành Thanh tra, người đã từng có nhiều cống hiến, đóng góp, gắn bó và quan tâm chỉ đạo đối với công tác thanh tra, ông Huỳnh Văn Sum – nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chánh Thanh tra tỉnh chia sẻ về tầm quan trọng của công tác cán bộ. Bởi theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém; cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt... Chính vì thế, yêu cầu bắt buộc đối với người cán bộ là phải có đủ đức, đủ tài.
Cán bộ thanh tra có vai trò quan trọng trong thực thi các nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Dự báo trong thời gian tới cho thấy, có nguy cơ tham nhũng trong cơ quan thanh tra, nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ thanh tra. Trước những vấn đề phức tạp trong nghề thanh tra, người cán bộ thanh tra cần phải thể hiện được bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Đồng thời, vững vàng trước những tác động nhiều chiều của cuộc sống; đương đầu với những thách thức, cám dỗ của cuộc sống. Phải luôn có ý thức chính trị trong mọi công việc; có khả năng phát hiện các khuynh hướng chính trị và nhận ra các vấn đề chính trị trong đời sống hàng ngày; biết vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào công việc và nhạy bén nhận rõ, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phải vượt qua chính mình, từ đó vượt qua mọi sự cám dỗ cũng như những đe dọa từ phía đối tượng thanh tra.
Ông Huỳnh Văn Sum cho biết, hiện toàn ngành Thanh tra trên địa bàn tỉnh có 220 cán bộ, thanh tra viên. Đa phần đây là những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, uy tín và giàu bản lĩnh. Ngoài ra, họ là những người có phong cách, phương pháp làm việc khoa học, đổi mới, sâu sát và coi trọng nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, khi tiếp công dân đều ứng xử có văn hóa, lắng nghe, tôn trọng công dân; hướng dẫn, giúp người khiếu nại, tố cáo hiểu và thực hiện đúng quy định có liên quan, tạo được sự hài lòng ở người dân. Thời gian qua, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Khi thực hiện triển khai các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đều nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan.
Trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra luôn thực hiện đúng theo quy tắc ứng xử, không lợi dụng danh nghĩa cán bộ thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật; không nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần để vụ lợi; sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra. Ngoài ra, người làm công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh còn có sự chuẩn mực trong ứng xử với đồng nghiệp, nhân dân và cả các đối tượng được thanh tra. Đáng mừng, những năm nay, toàn ngành Thanh tra trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện và xử lý trường hợp cán bộ, công chức vi phạm qua việc thực hiện quy tắc ứng xử. Bởi các cơ quan thanh tra trên địa bàn luôn quan tâm công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 769/CT-TTCP, ngày 17-5-2019 của Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra và Quyết định số 1860/QĐ-TTCP của Thanh tra Chính phủ gắn với kế hoạch kiểm điểm, giám sát đảng viên hàng năm của chi bộ, đảng bộ. Nhờ vậy, đã chỉ ra được những ưu điểm để phát huy và những hạn chế để khắc phục, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong ngành Thanh tra trên địa bàn.
Xã hội càng phát triển, nhiệm vụ ngành Thanh tra càng nặng nề và có nhiều thách thức với mỗi cán bộ thanh tra. Chính vì thế, cơ quan thanh tra sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức thanh tra và đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra. Theo đó, không ngừng chăm lo xây dựng và kiện toàn tổ chức thanh tra các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố theo hướng đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, nhất là cán bộ làm công tác thanh tra phải có đầy đủ những phẩm chất về chính trị, nghiệp vụ chuyên môn giỏi, có năng lực, có đạo đức để phục vụ tốt nhiệm vụ, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Thanh tra.
Báo Sóc Trăng